Dưới triều Tùy Tây Lương Hiếu Tĩnh đế

Đến năm 589, Tùy chinh phục Nam triều Trần, thống nhất Trung Hoa. Năm 594, Tùy Văn Đế nói rằng các hoàng đế của Bắc Tề, Lương và Trần không được cúng tế, vì thế đã hạ lệnh rằng cựu thân vương Bắc Tề Cao Nhân Anh (高仁英), Trần Thúc Bảo, và Tiêu Tông được tiếp tế đều đặn để họ có thể tiến hành cúng tế tổ tiên định kỳ.

Năm 604, Tùy Văn Đế qua đời, Dương Quảng đăng cơ kế vị, tức Tùy Dạng Đế. Do Tiêu hoàng hậu của Tùy Dạng Đế nguyên là hoàng muội của Tiêu Tông, Dạng Đế đã đối đãi tôn trọng hơn với Tiêu Tông và cải phong tước hiệu của ông từ Cử quốc công sang Lương công. Tùy Dạng Đế cho một số thân thích của Tiêu Tông được làm quan. Bản thân Tiêu Tông có được chức 'nội sử lệnh', song hiếm khi thi hành phận sự tại văn phòng. Khi Tùy Dạng Đế phái Dương Ước (楊約), dị mẫu đệ của Dương Tố, đi khuyên bảo Tiêu Tông thay đổi, Tiêu Tông đã giải thích cho Dương Ước với tình cảnh của bản thân, ông không muốn gây sự chú ý. Tiêu Tông cũng duy trì lòng tự trọng của mình, và mặc dù ông đang sống xa quê hương, song ông đã từ chối nhường đường cho các đại gia tộc ở phương Bắc, và do đó đã đắc tội với khá nhiều quý tộc phương Bắc.

Năm 607, Tùy Dạng Đế giết hại một số đại thần: Cao Quýnh, Hạ Nhược Bật (賀若弼), và Vũ Văn Bật (宇文弼), vì tội đã chỉ trích việc ông thưởng lớn cho Khải Dân khả hãn của Đột Quyết. Tiêu Tông có quan hệ thân thiết với Hạ Nhược Bật, và do đó đã thu hút sự nghi ngờ của Tùy Dạng Đế. Đương thời có một bài đồng dao nổi tiếng với phần lời có đoạn, "tiêu tiêu diệc phục khởi!". Điều này càng khiến cho Tùy Dạng Đế thêm nghi ngờ Tiêu Tông, và sau đó Tiêu Tông đã bị bãi chức và qua đời trong khi không mang một chức vụ nào. Chất tôn của ông là Tiêu Cự (蕭鉅) kế tập tước Lương công. Theo Tân Đường thư-Tể tướng thế hệ, Tương Thành thông thủ Tiêu Huyễn (蕭鉉) là con trai của ông. Năm 617, đường điệt của Tiêu Tông là Tiêu Tiển (蕭銑) đã nổi dậy chống Tùy và trong một thời gian ngắn đã tái phục hưng Lương, Tiêu Tiển truy thụy cho Tiêu Tông là "Hiếu Tĩnh hoàng đế" (孝靖皇帝).